Bạn muốn trải nghiệm Tâm lý hay Tâm linh?

Để hiểu về tâm lý và tâm linh, trước tiên ta cần hiểu ngôn ngữ, tâm lý là gì, tâm linh là gì?
Bản thân ngôn ngữ đã diễn đạt cái gì đó.
Lý mà không có sự như người đọc hướng dẫn sử dụng mà không sử dụng, người cứ nằm mơ bước đi mà không bước đi. Chúng ta diễn đạt ham muốn, mơ về nó nhưng không bao giờ chúng ta được thỏa mãn và mãn nguyện. Vì không biết cái gì cao hơn nó nên cứ mơ đi mơ lại. Sự bế tắc phải đi tới vỡ mộng thì chúng ta mới đi qua được nó.
Con người được làm từ chất liệu mơ, còn loài vật, cây cối, mặt trời không bao giờ mơ. Tất nhiên là giấc mơ cũng có cái đẹp của nó nếu chúng ta hiểu được giới hạn của giấc mơ. Ước mơ cũng đẹp khi nó tạo năng lượng để bạn di chuyển về phía nó, không có ước mơ năng lượng không được tạo ra. Nhưng khi bạn đạt được ước mơ rồi bạn chán rồi lại mơ tiếp. Đó là cuộc sống gì vậy? Khi đạt được, khi hoàn thành mà lại chán, không có ai đặt câu hỏi đó. Vì đó là tâm lý, tâm lý là trải nghiệm ở trạng thái nhị nguyên, bạn vẫn đồng nhất với cơ thể, tâm trí. Giấc mơ mang lại cho bạn năng lượng nhưng chừng nào bạn chưa vỡ mộng thì không bao giờ bạn bước về phía tâm linh.
Tâm linh mang cho ta trạng thái mãn nguyện không chán. Trải nghiệm tâm lý giúp ích cho chúng ta rất nhiều nhưng nếu không biết bạn sẽ kẹt và dừng lại ở đó. Bạn sẽ không bao giờ biết đến trạng thái cao hơn, mãn nguyện hơn. Với tâm lý bên trong bạn không có gì biến đổi, cái đó chỉ có tâm linh mới giúp được bạn.
Để hiểu giấc mơ, chúng ta phải xem lại về mơ và quá trình đạt được ước mơ.
Nếu bạn đã từng đọc cuốn sách “Nhà giả kim” của nhà văn Brazil, bạn có thể hiểu hơn về giấc mơ. Cuốn sách đó đã từng không bán được khi mới xuất bản vì không ai hiểu nó. Giờ thì nó bán được tới 65 triệu bản và dịch ra tới 56 thứ tiếng trên Thế giới. Cuốn sách nói ra một điều khi bạn muốn gì đó thì cả vũ trụ giúp bạn thực hiện giấc mơ của bạn, tuy nhiên nhận ra điều đó không phải là dễ. Cuốn sách đó bán chạy bởi hóa ra loài người rất thích mơ và muốn giấc mơ thành hiện thực. Nhưng trong đó còn có thông điệp rất hay khác mà nếu nhìn ở góc độ tâm lý thì không thể hiểu. Tác giả đã dẫn dắt câu chuyện của nhân vật là anh chàng chăn cừu đi từ giấc mơ này đến giấc mơ khác. Không có giấc mơ thì không có năng lượng tuôn chảy và dù cho mục tiêu không có thật thì năng lượng vẫn tuôn chảy. Tuy nhiên chính tác giả cũng không thể ngờ là kho báu thực sự không phải nằm bên ngoài mà nằm chính bên trong, cho dù tác giả muốn chi ra kho báu ở ngay bên cạnh bạn, nhưng dù là 1 gang tay thì nó vẫn là bên ngoài. Với anh chàng chăn cừu, tình yêu thực sự của anh là tình yêu thứ hai, tình yêu chỉ qua một ánh mắt nhìn đầu tiên với cô gái sa mạc. Đó là một cô gái biết yêu, cô không sở hữu mà khuyến khích người yêu đi tiếp vì những cô gái như cô có niềm tin với chiến binh sa mạc là đi rồi sẽ trở về. Tình yêu là để người yêu ra đi bởi đi mà không mất thì đó là tình yêu thực sự. Đây là câu chuyện và thông điệp đẹp nhất trong chuyện này. Trong truyện hay ngoài đời, mỗi khoảnh khắc sống đều có một thông điệp và thực sự kho báu là rất gần, chỉ cần có chỉ dẫn, nghe thấy một thông điệp nào đó. Người ta thường chỉ mơ mà không bước đi nên cái hay của câu chuyện là khuyến khích người mơ cứ đi rồi sẽ phát hiện ra kho báu rất gần. Chỉ có người đã bước đi mới nhận ra nó còn người chỉ mơ mà không bước đi sẽ không bao giờ nhận ra.
 Giấc mơ dù rất gần với chân lý nhưng vẫn không phải chân lý. Bản thân câu chuyện của nhà giả kim cũng chỉ là giấc mơ không có thực. Một câu chuyện đủ để nói con người chúng ta rất thích mơ và chỉ ra sự thực là khi ta có giấc mơ, nó thôi thúc ta đi tìm kiếm giấc mơ, giúp chúng ta đầy nhựa sống. Nhưng nếu chúng ta không thực hiện giấc mơ thì chúng ta không bao giờ vỡ mộng, đó là đỉnh cao của giấc mơ. Lúc đó, mức tâm lý sẽ được vượt qua và dẫn đường đi đến tâm linh. Giấc mơ vốn là cái bên ngoài chúng ta, không phải chúng ta nên không thể thỏa mãn, với giấc mơ điểm đến không phải là hạnh phúc mà là giấc mơ hoàn thành. Giấc mơ đạt được chỉ để có giấc mơ cao hơn. Và phải dẫn đến sự vỡ mộng. Đỉnh cao của tâm lý là giải mã giấc mơ và thực hiện giấc mơ. Và hiện nay mọi người hầu hết kẹt ở đó vì không có người nào bên ngoài có thể chỉ cho họ cái cao hơn.
Quay lại thân thể, chúng ta có mắt và thế giới của mắt. Nếu thế giới tồn tại mà không có mắt thì cũng như thế giới dường như không tồn tại. Thế giới hữu hình là đối thể của mắt, thế giới âm thanh là thế giới của đôi tai. Nếu chúng ta là mắt, là tai thì chúng ta bắt đầu di chuyển vì chúng ta thích cái gì đó thì cái đó trở thành trung tâm, chúng ta xoay lơ lửng xung quanh nó, mơ xung quanh cái đó. Điều đó không phải không đẹp và không nhựa sống nhưng chất liệu của nó là mơ. Trung tâm bên ngoài luôn thay đổi, chúng ta an trú vào cái thay đổi, tâm lý chúng ta sẽ đang thay đổi và không thể đạt trạng thái hạnh phúc và bình an. Nếu đối thể phù hợp với mong muốn của ta thì ta vui, không theo ý ta thì ta buồn mà đối thể thì luôn chuyển động trái phải lên xuống, và tâm lý chúng ta sẽ vui buồn theo hình SIN, buồn rồi vui, vui lại buồn. Nếu ta hiểu việc giao tiếp giữa giác quan với đối thể bên ngoài thì vui cũng đẹp mà buồn cũng đẹp, hình thành hay tan rã cũng đều hay.
Chúng ta cần hiểu có một Thế giới ở ngoài Thế giới. Có gì ở đằng sau mắt? mắt và Thế giới tồn tại cùng nhau, chủ thể và đối thể không bao giờ tách rời, vì hình dáng, màu sắc mà mắt tồn tại, như đàn bà tồn tại vì đàn ông và ngược lại, không có đàn ông thì không có đàn bà. Nhưng có cái gì tồn tại ngoài nhị nguyên, có Thế giới bên trong của Thế giới. Mắt nhìn vật và đưa ánh sáng vào vật, nhưng ánh sáng từ vật cũng phản xạ lên mắt. Có hai mắt và hai tai nên chúng ta phải làm sao để nhìn giữa hai mắt, nghe giữa hai tai. Điểm mấu chốt là ở đó. Tại sao con mắt thứ 3 lại ở giữa và nghe âm thanh lại thấy trên đỉnh đầu. Nếu tìm hiểu về điều đó, thấu hiểu cái Thế giới bên ngoài Thế giới đó thì ta sẽ hiểu những ngụ ý, cái nhiều hơn những giấc mơ, chúng ta sẽ hiểu ta là ai. Và khi thấy chỉ một lần sẽ không bao giờ chán, không bao giờ quên được...
Related image
Chúng ta mơ có xe đạp rồi khi có thì chán sau 1 tuần, có được ô tô thì chán sau 1 tháng, nhà chán sau 1 năm... Mỗi giấc mơ là được vẽ ra để tạo ra năng lượng, trong câu chuyện Nhà giả kim đã chỉ ra tại sao năng lượng tuôn chảy, giấc mơ là giả nhưng năng lượng là thật. Nhà giả kim và tâm lý giải thích cho chúng ta lý do năng lượng tuôn chảy nhưng quả thực họ cũng chưa thực sự hiểu bởi vì nếu hiểu thì họ phải làm cho con người vỡ mộng. Nếu bạn biết mình không phải là mắt, thì sẽ tìm kiếm cái gì đằng sau mắt trống rỗng. Còn chúng ta là mắt thì chỉ có sự so sánh, đó là mắt trái so với mắt phải, tai trái so với tai phải. Là do chúng ta bị chia chẻ chứ không phải Thế giới bị chia chẻ. Trong thế giới tâm lý, chúng ta lạc sang trái rồi sang phải, vì thế mà đồng hồ quả lắc, lắc trái lắc phải và có thời gian. Còn nếu đi vào chiều vô thời gian thì không thể mơ được nữa. Chúng ta hiểu thì sẽ không bị kẹt vào tâm lý nữa. Đó gọi là có người quan sát, lý sự viên dung. Chúng ta chính là người tạo ra thời gian chứ sự tồn tại không có thời gian. Thế giới tâm lý tạo ra thời gian, con vật, cây cối không có thời gian. Thế thì có thế giới vô thời gian, thế giới phúc lạc không bao giờ chán. Giống như nếu giấc mơ đạt được mà không bao giờ chán thì đó không phải mơ mà là chân lý. Sự tồn tại luôn chuyển động, biến hóa, mà khi chúng ta nắm cái gì chúng ta muốn nó tĩnh lặng, nhưng chúng ta đang là tĩnh lặng mà chúng ta lại muốn cái khác tĩnh lặng. Thế thì chúng ta đang đồi vàng lấy bùn, đổi hạnh phúc lấy đau khổ.
Đỉnh cao của thế giới tâm lý là chúng ta bị kẹt vào các giác quan, chúng ta đang ở thế giới 3D mà muốn nhìn thế giới 3D thì phải ở thế giới 4D, tức là phải ở ngoài thế giới. Và chúng ta phải là người thích khám phá, khám phá hết tới cùng thì mới có thể vỡ mộng.
Cũng không nên kết án giấc mơ, vì không có giấc mơ thì cũng không bao giờ tìm được chân lý. Bạn phải biết giới hạn của nó, để đến lúc vỡ mộng thì không bị tụt xuống. Nếu không biết giới hạn thì sẽ không thể ra khỏi được giấc mơ, bạn sẽ bỏ lỡ cái đẹp hơn rất nhiều, cái chân lý, cái mà chỉ im lặng tận hưởng bởi không có lời nào diễn đạt nó. Chúng ta cần phải thức dậy khỏi giấc mơ chứ không phải giải thích giấc mơ. Vì giải thích tâm lý thì vẫn chỉ là mơ của mơ. Chúng ta dù có mơ một ngàn giấc mơ rồi thức dậy và vấn đề là thức dậy chứ không phải mơ đẹp hay ác mộng. Chúng ta hiểu giấc mơ dù đẹp hay xấu cũng đều kết thúc và việc thức dậy đẹp thế. Chúng ta sẽ không còn chạy trong vòng luẩn quẩn hết kiếp này đến kiếp khác nữa. Nếu chúng ta một lần đi vào trục vô thời gian, ở trong năng lượng tâm linh, năng lượng tình yêu đó thì không còn mắc kẹt vào trạng thái mơ, trạng thái tâm lý, trạng thái của đúng sai.
Thông điệp của Nhà giả kim là “chúng ta chỉ thiếu một chỉ dẫn thôi”. Và các bạn chỉ thấy khi các bạn là người tìm kiếm. Tạo hóa có thể mượn mọi phương tiện để cung cấp cho các bạn thông điệp chỉ dẫn giúp các bạn đào kho báu lên. Việc đó thực sự mang tính cá nhân, một người có thể cho bạn thông điệp, một ngón tay chỏ vào nhưng bạn phải có ước mơ khao khát tìm kiếm. Chỉ cho bạn rằng bạn có kho báu bên trong, ngay đằng sau bạn, chỉ 20cm thôi nhưng nếu bạn không tin thì không có ý nghĩa gì, nhưng nếu bạn thực sự là người tìm kiếm thì bạn sẽ bắt đầu tìm kiếm.
Trong truyện Nhà giả kim, sự hấp dẫn là do truyện nói đến cái gì đó quyền năng và giải thích một cách logic hấp dẫn. Quyền năng là có thực, nhưng chỉ là do sự đồng điệu nào đó giữa con người với vũ trụ, còn nếu chúng ta có ý muốn thì lại không xảy ra. Nếu chúng ta tin vào mặt trời, tin vào gió, vào cát thì bỗng nhiên được đáp ứng. Các thứ vô tri đó cần bạn hiện diện, cần tình yêu, trái tim và sự hài hòa với mọi thứ, rồi nó xảy ra theo cách riêng của nó, sự đồng điệu xảy ra. Vì khi ta không là ai cả thì là một với tự nhiên, và cảm nhận được tất cả. Nếu là người biết thì ai cũng có thể có quyền năng, nhưng ngược lại nếu bạn muốn quyền năng thì quyền năng không bao giờ xảy ra. Giữa bên ngoài và bên trong là đồng lòng, tâm nào cảnh đó. Có sự đồng điệu giữa chúng ta với cuộc sống, với tự nhiên, với thế giới...
Nếu cứ diễn giải, giải thích thì chúng ta rơi vào mức tâm lý, đó là mơ ngày. Mơ đêm là sản phẩm của mơ ngày, chỉ sau một giấc ngủ không mơ thì một người thức dậy giác ngộ chứ không có ai giác ngộ trong giấc mơ. Tâm lý có thể nói giác ngộ rất khó, và người giác ngộ là người khác với chúng ta.Nhưng sự thật tất cả các vị giác ngộ đều giống chúng ta cả.
Tất cả những gì không mơ đều giác ngộ rồi chỉ là có nhận biết hay không thôi. Đến lúc nào bạn nhạy cảm thì ngọn gió rất nhẹ, thậm chí cây còn chưa biết thì bạn đã biết. Các giác quan chúng ta đang tiếp xúc với thế giới là rất thô. Như đôi mắt này chỉ thấy hình dạng không thể thấy cái đẹp, phải là con mắt khác mới thấy được vẻ đẹp. Âm thanh mà tai nghe thấy không có gì ngoài tiếng ồn, cái được gọi là âm nhạc đích thực phải được nghe từ giác quan tinh tế hơn. Sự thật là chúng ta ngoài thể vật lý còn có thể năng lượng, thể tâm lý,thể tâm trí,thể nhận biết, thể phúc lạc và bản thể. Nếu chúng ta không tìm hiểu và đánh thức các thể đó để sống thì chúng ta sẽ bỏ lỡ cái đẹp hơn rất nhiều. Rồi chúng ta lại khao khát, bởi chúng ta thiếu linh hồn, thiếu tâm hồn. Cái mà là chúng ta thì lại được dạy chỉ tìm ra thế giới bên ngoài. Các giác quan luôn sống trong thế giới đồng mức với chúng. Nếu thế giới tâm linh của chúng ta xuất hiện, thì chúng ta thấy thế giới tâm linh của người khác, của vạn vật. Vạn vật bên ngoài đang đẹp vậy nhưng chúng ta không có phương tiện công cụ để nhận biết cái đẹp cái hay của thế giới thực. Khi chúng ta hiểu về 7 thân thể thì vũ trụ bao la chúng ta cũng có thể hiểu được, vũ trụ đó chính là chúng ta mở rộng ra. Chúng ta hiểu giọt nước thì chúng ta sẽ hiểu cả đại dương, bởi giọt nước mở rộng ra là đại dương.
Chúng ta hiểu phẩm chất của giọt nước, của hạt bụi rồi thì từ phẩm chất chúng ta đã hiểu đó chúng ta sẽ biết phẩm chất của vạn vật.
Hạnh phúc là hệ quả nên khi chúng ta hiểu sự thật thì chúng ta thấy hạnh phúc. Hạnh phúc không phải điểm đến nên nếu ta đi tìm hạnh phúc thì chỉ thấy bất hạnh. Chúng ta là hạnh phúc và không phải đi tìm mà phải di chuyển vào thể tâm linh đó. Chúng ta phải học cách để nếm linh hồn, nếm bản thể. Khi chúng ta yêu sâu sắc thì sẽ nếm được hạnh phúc nào đó, đó là trải nghiệm không phải đọc sách hay lý luận. Trải nghiệm tâm linh cần chủ thể trực tiếp không thể nhờ người khác. Tình yêu có sự tương đồng với tâm linh. Bạn cũng phải yêu trực tiếp, không thể nhờ người khác yêu người yêu của bạn, vì vậy mà tình yêu là linh thiêng vì phải phải trải nghiệm trực tiếp nên cảm xúc đẹp. Tuy nhiên, tình yêu đó vẫn là phụ thuộc, trừ kkhi bạn hiểu ra người yêu chỉ là giúp bạn lẩy cò cái đẹp bên trong bạn. Còn nếu nghĩ rằng chỉ cô ấy mới là người làm bạn hạnh phúc thì bạn sẽ muốn sở hữu, nhưng ngay khi sở hữu thì tình yêu chết, vì bạn lại biến một con người đẹp đẽ thành đồ vật. Đó là sự lười biếng, không muốn khám phá, cứ muốn nắm giữ mọi thứ, muốn biến tất cả những thứ có linh hồn thành thứ không có linh hồn. Ngay cả một bông hoa, một cái cây chúng ta cũng nên tôn trọng, chúng ta không ngắt nó và để mọi thứ tự nhiên, không muốn đẹp theo ý ta bởi theo ý ta thì lại biến sự thật thành giấc mơ. Một người biết cái đẹp thực sự thì nhìn đâu cũng thấy cái đẹp, thấy cái đẹp trong mọi vật.
Trong thuật giao tiếp, chuyên gia tâm lý có khuyên nên nhìn vào giữa hai mắt (ấn đường) thay cho nhìn vào mắt. Đó là sự vô tình đúng mà họ không hiểu bản chất. Bởi nhìn vào ấn đường là nhìn vào con mắt thứ 3, và khi hai con mắt thứ ba nhìn nhau như hai cái gương nhìn nhau thì vạn vật được nhìn như nó đang là và từ đó xuất hiện yêu thương. Nếu chúng ta chỉ tập mà không hiểu bản chất thì cũng chỉ là diễn rồi lâu dần lại trở thành sự khó chịu bởi không còn sự chân thành. Chỉ khi chúng ta hiểu chính mình thì mới hiểu người khác. Hiểu người khác là chúng ta im lặng lắng nghe họ. Chỉ khi biết lắng nghe thì mới biết giao tiếp là gì. Đôi khi chúng ta thành công bởi vì vô tình chạm vào chân lý. Như trẻ con nói câu đầu tiên như là chân lý vì chúng không biết, chúng hồn nhiên như tấm gương.
Tâm lý chỉ là một nửa sự thật, chúng ta có câu hỏi rồi được trả lời thế thì chúng ta không bao giờ đi tìm thế giới tâm linh. Thế giới tâm linh đưa chúng ta vào vô thời gian, bên ngoài tâm trí, tầng nhận biết, phúc lạc, bản thể. Bên ngoài nhưng không phải thế giới bên ngoài, đó là trạng thái thiền, bồng bềnh trống rỗng là trạng thái đi vào không thời gian, không gian thuần khiết bên trong bạn. Chỉ thiền định chúng ta mới lắng đọng. Khi ở bên ngoài, chúng ta cứ phải nhìn hết vật này tới vật khác vì như thế mới cảm giác chúng ta được hiện diện, nhưng chúng ta lại loạn tâm vì chọn trung tâm sai. Khi chúng ta đi vào trong sẽ khác, chúng ta quan sát thân thể, tâm trí, thậm chí cả bản ngã, chúng ta đi sâu vào trong. Buông là cách chúng ta đi sâu vào trong. Chúng ta chỉ buông giấc mơ khi đi đến tột cùng là vỡ mộng, buông tâm trí chỉ khi đến tột cùng là điên khùng. Nhưng bạn không nên nghe người khác mà bạn phải tự trải nghiệm một cách riêng tư, kho báu của bạn thì bạn phải tự khám phá.
Sự thật là giống nhau, và những người nếm trải sự thật đều nói giống nhau. Sự thật thì nói mãi cũng không bao giờ hết vì nó quá đẹp, muôn lời cũng không thể diễn đạt sự thật đó, người quen dùng thơ, nhạc thì dùng thơ, nhạc diễn đạt nó, họa sĩ diễn đạt bằng bức họa.Khi biết cách diễn đạt rồi thì bạn vô tình có lúc bạn biết kỹ thuật, biết cái mẹo để thấy nó, rồi nhiều lần không còn vô tình mà bạn đã làm chủ kỹ thuật đó. Ở đây giống như lời thế gian nhưng ngụ ý bên ngoài thế gian, bên ngoài giấc mơ. Chúng ta ban đầu chọn hướng đi sai thôi còn nếu đi đúng hướng thì thế nào bạn cũng về tới nhà. Nếu chọn hướng đúng thì không phải đi xa, chỉ một bước chân là đến. Các bạn phải tìm được thông điệp thực sự, tìm xem thôi thúc khao khát thực sự của bạn là gì, đừng cho phép bạn dừng lại với cái bạn đang có, cứ tận hưởng rồi đặt xuống, đi tới điểm bùng phát, hạt mầm phải vỡ ra và nảy mầm, rồi tận hưởng việc lớn lên của hạt mầm, mọi thứ khác chỉ là ngôn từ, phải tìm cái gì đang sống động trong bạn.
Ngay cả “tâm linh” cũng chỉ là ngôn từ. Đừng vội đi tìm tâm linh, cứ yêu đi, cứ mơ rồi tuyệt vọng, thất bại, vỡ mộng đi rồi mới đi tìm cái cao hơn tâm lý, đó là chân lý. Chúng ta giống như mảnh đất im lặng chờ mầm mọc lên, hãy làm cho mình sống động hơn, nhạy cảm hơn, cảm xúc hơn. Chúng ta không phải thân thể, tâm trí, giác quan, cảm xúc, bản ngã, chúng ta ở sau tất cả...
(Ghi chép trích đoạn từ buổi chia sẻ nói chuyện của Cộng đồng Sống thiền)
 © Tự Mình Ăn SOUP
HƯỚNG DẪN LÀM GÌ - Một kênh youtube chia sẻ những tiện ích, ứng dụng, phầm mềm, apps giúp nâng cao hiệu quả công việc và học tập. Mời bạn ghé qua chơi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét